==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Việc định cư lâu dài tại nhật khác hoàn toàn so với việc chỉ đi du lịch Nhật Bản ngắn ngày, vậy sự khác nhau đó thế nào? Qua tâm sự của một bạn trẻ là du học sinh Nhật dưới đây, bạn đọc sẽ hiểu được thêm 1 phần của cuộc sống tại xứ sở mặt trời mọc này!

Shojin Ryori: Mặt khác trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản Shojin Ryori: Mặt khác trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản

Được sang Nhật là ước mơ của rất nhiều người. Với chúng tôi, lần đầu tiên chạm vào giấc mơ ấy có cảm giác rằng cuộc đời mình như được lật sang một trang mới. Một tháng ổn định xong hết việc học, làm thêm, bạn bè… đã giúp tôi nhận ra rằng cuộc sống ở Nhật quả là một thử thách.

Kỳ nhập học tháng 4 là lớn nhất trong năm, nên số lượng du học sinh sang vào thời điểm này tăng đột biến. Khó khăn lắm chúng tôi mới mua được vé sang sớm được vài ngày và may mắn chúng tôi vẫn còn kịp thưởng thức mùa hoa anh đào nở.

Tâm sự của du học sinh Nhật Bản - Ảnh 1

Khuôn viên đại học Tokyo

Ấn tượng đầu tiên về Nhật Bản chính là nó rất yên tĩnh, sạch, đường xá chỉ toàn thấy xe ô tô chạy. Chúng tôi đáp chuyến bay tới sân bay quốc tế Narita ở tỉnh Chiba, đây là một sân bay rất rộng, hiện đại bậc nhất thế giới nhưng lại không hề ồn ào tí nào, mọi người di chuyển rất nhanh, ai nấy đều toát lên một vẻ rất bận rộn.

Phương tiện chúng tôi di chuyển về trường là tàu điện ngầm. Trước đây chúng tôi thường nghe nói là tàu điện ngầm ở Nhật rất hiện đại, chạy rất êm đến mức người ta thường hay ngủ gật trên đó. Lần đầu đi tàu ai nấy rất bỡ ngỡ xen lẫn với sự thích thú lạ kỳ. Đầu óc mọi người lúc ấy cứ lâng lâng suy nghĩ: “Thế là mình đã đến được Nhật rồi ư”.

 

Tâm sự của du học sinh Nhật Bản - Ảnh 2

Lễ Nhập học

Nhà trường tiếp đón chúng tôi hết sức chu đáo, các thầy ra tận sân bay đón rồi đưa về trường. Sau đó đi mua cơm cho chúng tôi ăn, dặn dò chúng tôi một số điều rồi dẫn chúng tôi về kí túc xá nghỉ ngơi. Các thầy quan tâm đến mức, ngay trong buổi tối ngày hôm ấy chúng tôi có liền tivi mới, lò vi sóng mới, chăn đệm mới, thầy còn mua cho nước rửa chén, dao, thớt, túi giấy… làm chúng tôi hết sức cảm động.

Sau một ngày di chuyển mệt nhoài, chúng tôi nhanh chóng vùi vào giấc ngủ để sáng mai lên trường làm thủ tục nhập học. Suốt đêm hôm ấy tôi mơ hồ nhớ lại những gì mình đã từng ao ước, những dự định, mục đích thật sự của mình khi đến Nhật. Vì tôi xác định rõ con đường mình chọn là du học sinh, chứ không phải tu nghiệp sinh. Tôi sợ rằng mình sẽ bị đồng tiền cuốn vào mà bỏ quên mục đích thật sự của bản thân.

Tâm sự của du học sinh Nhật Bản - Ảnh 3

Ngắm hoa anh đào ở công viên Ueno

>>> Xem thêm: Tour du lịch Nhật Bản mùa hoa anh đào

Những ngày đầu tiên chúng tôi liên tục phải đến trường học nội quy và được các thầy dẫn đi làm các thủ tục giấy tờ như đăng ký thẻ ngân hàng, thẻ lưu trú. Nhà trường giới thiệu công việc làm thêm, nên chỉ sau 2 tuần ở Nhật chúng tôi đã ổn định được chỗ làm. Tôi cảm thấy quá may mắn khi được học tập tại đây, nhiều người bạn của tôi dù qua Nhật vài tháng nhưng vẫn còn đang chật vật tìm việc làm thêm. Cuộc sống ở Nhật rất đắt đỏ nên nếu nhà bạn không khá giả thì chắc chắn bạn không thể trụ lại với mức sống cao như thế này được.

Thời gian đầu chúng tôi khá thong thả về thời gian nên cứ rảnh ngày nào là đi chơi ngày ấy. Chúng tôi mò mẫm cách đi tàu lên Tokyo chơi, lúc này hoa anh đào nở rộ trong công viên Ueno rất đẹp. Vì hoa anh đào chỉ nở trong 10 ngày nên chúng tôi tranh thủ đi thăm quan cho biết. Được chạm tay vào những cánh anh đào, được thấy nó bay phất phơ trong gió cảnh đẹp cứ như là tranh vẽ vậy. Trước đây tôi luôn “thèm” cái cảm giác ở giữa một biển người ríu ra ríu rít tiếng Nhật, và bây giờ nó đã trở thành sự thật rồi.

Nhật thích nhất là thứ gì cũng có, đến mức tưởng chừng như không cần thiết nó cũng có bán. Vào cửa hàng 100 yên (khoảng 20.000 đồng) bán tất cả mọi thứ đồng giá, từ đồ gia dụng đến đồ ăn. Có thể nói đây là thiên đường cho những ai thích mua sắm.

Có một điều mà hầu như ai lần đầu tiên tới Nhật cũng đều mắc phải là thói quen mua đồ quy đổi sang tiền Việt. Nhìn chung đồ ăn thức uống và các đồ gia dụng nếu so với mức lương người Nhật làm ra thì nó rất rẻ. Ở Nhật, nó chỉ đắt ở các dịch vụ phục vụ chăm sóc con người. Nếu cứ quy đổi tiền Nhật sang tiền Việt thì bạn sẽ choáng ngợp và cứ mặc định là giá cả ở Nhật đắt đỏ.

Nhật là một đất nước mà bạn sẽ không sợ bị đói vào ban đêm, các cửa hàng tiện lợi bán 24/24, bạn có thể mua đồ tại đó rồi có lò vi sóng và chỗ ngồi để ăn ngay. Thường thì mọi người mới sang nên thấy cái gì cũng mới lạ, cũng đều muốn mua. Chính vì thế mà chỉ sau 1 tháng, không ít bạn đã tiêu gần hết số tiền mang theo.

Thật ra du học sinh khi ở đây đã có rất nhiều cách tiết kiệm rất hay ho. Về nhà cửa thì có thể sống chung 6 người một nhà, ăn uống thì cứ lựa những khuôn giờ tầm 22h trở đi là các mặt hàng như rau và thức ăn làm sẵn trong ngày sẽ giảm giá. Lúc ấy tha hồ mua về tích trữ trong tủ lạnh. Giải pháp tự nấu ăn vẫn là tiết kiệm nhất.

Ngôi trường chúng tôi đang học có rất nhiều người Việt, nhiều đến mức thầy cô giáo phải làm một bảng nội quy phiên âm ra tiếng Việt để chúng tôi có thể hiểu. Có một sự thật mà tôi cảm thấy hơi bất tiện, đó chính là khi bản thân qua đây là để học tiếng Nhật nhưng đi học toàn là người Việt nói chuyện với nhau. Người Việt bên này không phải ai cũng đều có ý thức như nhau, sự khác nhau về lối sống và tập quán đã dẫn đến sự khó hòa đồng.

Bên cạnh đó, thói quen ăn nói lớn tiếng và trễ giờ trái ngược với người Nhật. Có những trường hợp chỉ vì một bạn vi phạm mà thầy cô lại đánh đồng, điều ấy thật sự làm tôi cảm thấy rất buồn.

Tuy nhiên, có một điểm cộng là khi sống cùng nhiều người Việt với nhau, mọi người có gì đều chia sẻ cùng, nên dù xa nhà 1 tháng chúng tôi đỡ cảm thấy nhớ nhà hơn. Cứ vào dịp rảnh rỗi mọi người nấu món ăn gì đó, rồi quây quần bên nhau kể chuyện, rất là vui.

Tâm sự của du học sinh Nhật Bản - Ảnh 4

Khu chợ châu Á tại Tokyo

Bây giờ sau khi đã ổn định mọi thứ, đã quen dần với thói quen chạy theo thời gian. Buổi sáng thức dậy vào lúc 6h để nấu cơm làm bento đem theo để trưa đi làm ăn. 8h bắt đầu vào học, 11h15 tan học và đạp xe 15 phút tới nhà ga, ăn uống trong phòng 10 phút và lên tàu lúc 11h50, đổi tàu 2 lần và lên xe buýt tới công ty lúc 1h để kịp vào làm đến 8 – 9h tối mới về tới nhà. Tất cả đều phải diễn ra đúng giờ nên chúng tôi ngày nào cũng mệt nhoài vì thiếu ngủ. Đấy là thời gian biểu học buổi sáng và đi làm chiều, nếu đi làm sáng có bạn phải dậy từ lúc 4h30 để chuẩn bị cho kịp giờ.

Nhìn chung với mức lương của một du học sinh vừa học vừa làm là 800 yên (~165.000 VND) 1h, tuần làm 5 buổi, 1 buổi 4 tiếng thì một tháng vẫn thiếu tiền. Ngoài tiền sinh hoạt thì tất cả mọi người đều phải dành tiền đóng học phí tháng sau. Thế nên, phải chi tiêu thật hợp lý và tiết kiệm thì mới có thể “sống sót” ở Nhật. Tuy nhiên, nếu tiếng Nhật của bạn tốt thì có thể làm mức lương 1.000 yên (~207.000 VND)/1h thì sống dễ chịu hơn chút.

Quả thật, cuộc sống ở Nhật là một thử thách rất lớn, người Nhật rất đáng để cho chúng ta học hỏi. Nếu biết cách sống của họ chắc chắn họ sẽ đối xử rất tốt với chúng ta. Vậy nên, với những ai đang có ý định du học Nhật hãy chịu khó tìm hiểu kỹ văn hóa để dễ thích nghi hơn.

Bài đọc thêm: Giới thiệu về Nhật Bản

Tâm sự của du học sinh Nhật Bản

Tâm sự của du học sinh Nhật Bản
13 1 14 27 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==