Không chỉ sở hữu các nét văn hóa đặc trưng khiến nhiều quốc gia khác phải ngưỡng mộ, Nhật Bản còn nổi tiếng về hệ thống các quy tắc xã hội vô cùng phức tạp và khác biệt.
Một số văn hóa đặc trưng của người Nhật BảnKhông chỉ sở hữu các nét văn hóa đặc trưng khiến nhiều quốc gia khác phải ngưỡng mộ, Nhật Bản còn nổi tiếng về hệ thống các quy tắc xã hội vô cùng phức tạp và khác biệt.
Xếp hàng
Một khi tới Nhật, hãy luôn nhớ một điều: xếp hàng mọi lúc mọi nơi. Từ đi mua sắm, lên tàu, đi thang máy hay bất cứ một hoạt động xã hội nào khác, xếp hàng luôn được coi như một câu "thần chú".
Nếu làm khác đi chắn chắn bạn sẽ nhận được những ánh mắt "hình viên đạn" hoặc một cái cái lườm "cháy mặt" cho mà xem.
Một số cửa hàng tiện lợi còn dán băng dính cố định hàng lối trên sàn gần quầy thanh toàn để nhắc nhở khách xếp hàng và đừng bao giờ chen lấn.
Thế nếu bạn mua đồ ở cửa hàng trên vỉa hè thì sao? Vâng, kể cả là cửa hàng vỉa hè thì vẫn cứ phải xếp hàng dù cho chỉ có ít người. Hãy nhớ nằm lòng điều này: phá hàng là điều tối kỵ trong văn hóa Nhật Bản.
Chuẩn bị tiền trước khi tới quầy thanh toán
Sau khi xếp hàng đợi đến lượt mình, người mua hàng ở Nhật Bản được kỳ vọng chuẩn bị sẵn luôn tiền để thanh toán, đặc biệt là với số tiền mua hàng không lớn. Tại sao lại vậy?
Thông thường, khi tới quầy thanh toán, người mua hàng mới vội vàng móc ví ra, kiểm tra hết ngăn nọ tới ngăn kia để xem mình có thể trả số tiền đúng như trong hóa đơn hay không.
Điều đó đồng nghĩa với việc không chỉ nhân viên thu ngân mà cả những người xếp hàng sau người đó sẽ phải đợi. Chính vì vậy, người Nhật có thói quen chuẩn bị trước tiền để tránh làm mất thời gian của người khác.
Đối với các hàng quán vỉa hè cũng vậy. Thay vì đợi người bán đưa hàng xong mới hỏi giá thì người Nhật sẽ hỏi giá trước rồi chuẩn bị tiền trong lúc đợi gói hàng. Xong xuôi, người mua chỉ việc nhận hàng, gửi tiền và đi luôn.
Đặt tiền vào khay thay vì đưa tận tay nhân viên thu ngân
Đây thực sự là điểm khác biệt thú vị trong văn hóa mua sắm và thanh toán ở Nhật Bản. Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy tại quầy thanh toán của các cửa hàng ở Nhật luôn có một chiếc khay nhỏ để khách hàng đặt tiền vào.
Bạn sẽ thắc mắc tại sao lại phải cầu kỳ như vậy, sao không đưa tiền trực tiếp cho thu ngân luôn cho nhanh, đúng không? Một số nguyên nhân sau có thể giải đáp cho thắc mắc đó.
Theo những chuyên gia về Nhật Bản, để tránh những va chạm thân thể khiến nhân viên thu ngân và cả khách hàng cảm thấy không thoải mái như chẳng may chạm tay khi nhận tiền thanh toán trực tiếp, những người quản lý đã đưa ra cách này để giải quyết vấn đề.
Bên cạnh đó, khay nhận tiền có thể giúp nhân viên thu ngân dễ nhận tiền xu hơn. Ở Nhật Bản, tiền có mệnh giá dưới 1.000 yen đều ở dạng xu nên tiền xu được lưu hành khá phổ biến.
Nếu đặt xu lên mặt phẳng bàn thu ngân, nó sẽ gây khó khăn cho nhân viên trong việc nhận tiền, đặc biệt là những đồng xu nhỏ. Chính vì vậy, các khay nhỏ tại quầy thu ngân thường có một lớp lót cao su để nhân viên thu tiền dễ dàng hơn.
Nếu chẳng may bạn không nhớ hoặc không chủ định đi ngược lại quy tắc mà đưa tiền trực tiếp, nhân viên thu ngân vẫn cư xử rất lịch thiệp.
Tuy nhiên, tốt hơn hết bạn nên cố gắng tuân thủ các quy chuẩn xã hội tại quốc gia mình tới trải nghiệm để tỏ rõ sự tôn trọng, đồng thời thể hiện mình là một khách thăm quan có ý thức.
Hãy tin tưởng nhân viên thu ngân
Nếu có tiền thừa, nhân viên thu ngân sẽ đếm riêng từng loại tiền, tiền giấy ra tiền giấy, tiền xu ra tiền xu ngay trước mặt khách hàng trước khi trả lại. Có hai nguyên nhân tại sao người Nhật lại làm vậy.
Nguyên nhân đầu tiên là để đảm bảo số tiền trả lại chính xác. Thứ hai, khách hàng sẽ không cần phải đếm tiền trước khi rời quầy thu ngân.
Chính vì vậy, hãy cố tập trung khi nhân viên thu ngân đếm tiền và đừng bao giờ đếm lại tiền trước mặt họ vì điều đó thể hiện sự bất kính và không tin tưởng.
Đây là những cảnh báo bạn cần ghi nhớ phòng khi có dịp tới thăm xử sở mặt trời mọc.
Có một điều quan trọng mà nhiều khách thăm quan thường quên đó là khi ra nước ngoài người dân nước sở tại sẽ không coi bạn là một cá nhân riêng lẻ mà là điển hình cho cả một dân tộc. Thế nên, "nhập gia tùy tục" là câu nói chưa bao giờ sai.